Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Ngày Tết Nguyên Đán Cổ Truyền

Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn và quan trọng nhất của người Việt Nam. Là ngày để mọi người đoàn tụ với gia đình, trở về quê hương và nhớ về tổ tiên. Thế nhưng khi hỏi về ý nghĩa sâu xa của Tết Nguyên đán thì không phải ai cũng biết. Vậy Tết nguyên đán có nguồn gốc từ đâu và vì sao gọi là Tết Nguyên đán? Bài viết dưới đây sẽ giải thích cho bạn đọc hiểu rõ hơn về tết nguyên đán nhé!
Nguồn gốc của Tết
Theo lịch âm dựa trên sự vận động của mặt trăng, mỗi tháng bắt đầu vào một ngày trăng mới. Và năm mới bắt đầu vào ngày trăng xuất hiện sau khi mặt trời ló rạng khỏi chí tuyến nam, dấu hiệu cuối cùng trong ba dấu hiệu mùa đông. Tết, vì thế mà theo sự diễn biến của cả mặt trăng và mặt trời. Tết mở ra mùa xuân và luôn rơi vào khoảng từ 10 ngày cuối cùng của tháng Một đến ngày thứ ba của tháng Hai. Tết này gọi là “tiết Nguyên đán”, “thời kỳ rạng đông bắt đầu”. Ngày này là ngày bắt đầu của năm, của tháng và của mùa. Vì vậy, đó là buổi sáng thiêng liêng nhất. Nó báo trước những sự kiện tốt lành của mặt trăng sẽ xảy ra sau đó.
Nhà sử học Trần Văn Giáp trong bài viết “Nguồn gốc Tết Nguyên đán ở Việt Nam” năm 1963 cũng phân tích. “Tết” hiểu theo gốc chữ Hán là chữ “Tiết”, nghĩa là “thời tiết” tức là “Bát tiết” và “khí tiết”. “Bát tiết” theo chữ Hán là Tám ngày thay đổi khí hậu (khí tiết) trong bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Gồm: Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.
Trong tiếng Việt, Tết hay tiết là dịp hội hè, cũng là dịp lễ vui vẻ. Bát tiết của Việt Nam không phải là Lập xuân, Xuân phân… mà là những ngày Tết có cúng lễ. Gồm: Nguyên đán, Thượng nguyên, Hàn thực, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu, Thường tân, Đông chí. Trong tám ngày Tết ấy, Nguyên đán là ngày tết đầu năm. Cho nên gọi là Tết Cả, cùng với các tết khác, ở các đình, chùa, đền, miếu đều có cúng lễ linh đình. Ở các nhà thờ họ, các nhà riêng đều có làm cỗ bàn cúng lễ và hội họp vui vẻ.
Ý nghĩa của Tết
Chính vì mang tính chất sự khởi đầu của một giai đoạn gieo trồng mới, một tháng mới, mùa mới, năm mới. Cho nên Tết có ý nghĩa rất lớn trong đời sống của người Việt.
Với mỗi người Việt, Tết là dịp tụ họp, đoàn viên gia đình. Con cháu đi làm ăn xa, dù bận đến mấy cũng cố gắng về ăn Tết với gia đình. Mọi người ai nấy đều cố hoàn thành công việc, giải quyết công nợ xong hết trước Tết. Để có thể đón một năm mới thanh thản, an vui.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết: “Ngày này là lúc khởi đầu của một năm, tháng và mùa. Nó đứng đầu chuỗi nhịp điệu các thời kỳ. Vì thế, sáng hôm đó là buổi sáng linh thiêng nhất. Nó là điềm báo trước các sự kiện tốt lành của các tháng âm lịch tiếp theo. Và tất cả các cử chỉ ta làm trong những giờ đầu tiên này đều có hiệu lực của một đạo bùa quý báu”.
Chính vì thế, người ta thổi ống tiêu để đoán tính chất điều kiện khí hậu trong năm. Người ta uống rượu để xua đi các hơi lạnh và tử khí. Người ta đốt vàng mã để xua đuổi hiểm họa binh đao. Người ta giặt quần áo để tránh mọi tật bệnh và sự khốn khó…
Trong các công sở, người ta cất triện vào hòm khóa và sự giải quyết việc công được ngừng ngay từ hôm 25 tháng Chạp. Chỉ tiếp tục lại một cách long trọng vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch năm mới.
Tết là trở về
Xã hội hiện đại, đã có rất nhiều thay đổi, kể cả trong cách đón Tết cũng như những thực hành trong dịp Tết. Thế nhưng, có một điều không bao giờ thay đổi. Đó là tâm lý hướng về những giá trị truyền thống của người Việt trong dịp Tết dù ở thế hệ nào, độ tuổi nào. Bởi vì trên hết, bản thân Tết đã là một sự trở về với cội nguồn.
Không phải ngẫu nhiên mà mỗi dịp Tết đến, người ta thường hướng tới sự đoàn tụ, sum vầy. Người làm ăn, người đi học xa, dù bận bịu, nhiều việc thế nào cũng đều cố gắng về nhà vào dịp Tết. Tết không có định nghĩa cụ thể, nhưng trong tâm trí mỗi người Việt đều là những buổi sum họp gia đình. Cả nhà quây quần tụ họp trong những thời khắc đầu tiên của năm mới. Đó là định nghĩa “không thành lời” nhưng luôn rõ nét nhất mỗi khi nhắc đến Tết.
Với mỗi gia đình, dù là các gia đình trẻ, hiện đại. Dù có lựa chọn những cách đón Tết, ăn Tết, thực hành Tết đơn giản và giảm các thủ tục nhiều hơn so với các thời trước. Nhưng vẫn luôn giữ một giá trị chung, đó là hướng về truyền thống.
Giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền của Dân tộc Việt Nam
Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 (hay mùng 1) tháng Giêng âm lịch trên toàn nước Việt Nam. Và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành những lời chúc mừng tốt đẹp, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên.
Đối với người Việt, Tết Nguyên đán hết sức quan trọng và linh thiêng. Được nhiều người mong đợi, nhất là những người đi làm ăn xa nhà, trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn tụ. Cùng nhau nhìn nhận lại những việc đã làm trong năm cũ. Đồng thời thực hiện các tập tục văn hóa tốt đẹp với gia đình, dòng họ, cộng đồng và những gì đẹp nhất, ngon nhất, tốt nhất đều được dành cho ngày Tết.
Việc làm này đã tác động sâu sắc vào tâm thức của bao thế hệ người Việt. Vì vậy, dù trải qua biết bao thời gian nhưng những phong tục đón Tết, vui Tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phong tục đón tết
Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau. Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, phong tục của ngày Tết được chia làm ba khoảng thời gian. Gồm: Tất niên, Giao thừa và Tân niên.
Mỗi khoảng thời gian ứng với những hoạt động như: Tống cựu nghinh tân, Đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp. Gói bánh chưng, bánh tét, Chưng hoa ngày tết (đào, mai, quất…). Chưng mâm ngũ quả. Thăm viếng mộ tổ tiên, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Cúng giao thừa, Xông đất, Chúc tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè. Xuất hành đầu năm, Đi lễ chùa, Hái lộc đầu xuân,…. Những phong tục mang tính linh thiêng đó đều nhằm cầu mong cho sự tốt lành, may mắn, thành công và sức khỏe trong năm mới.
Bên cạnh những phong tục linh thiêng ngày Tết, người Việt xưa còn ăn Tết, vui xuân bằng các hoạt động vui chơi, lành mạnh. Thể hiện tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Hình thành, vun đắp, giữ gìn văn hóa làng xã từ đời này qua đời khác.
Giờ khắc linh thiêng nhất của Tết Nguyên Đán là giao thừa đêm ba mươi, thời khắc trời đất giao hòa. Gia đình quây quần, sum họp đón năm mới. Mọi người trò chuyện, hàn huyên về cái được, cái mất của năm qua và bàn bạc cách làm ăn sao cho năm tới tốt đẹp hơn. Ngoài ra, người dân Việt còn có phong tục xông nhà vào đêm giao thừa.
Tục chúc tết
Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm cũng là một mỹ tục xuất hiện từ lâu đời. Dân gian có câu: Mồng một Tết mẹ, Tết cha, Mồng hai Tết vợ, mồng ba Tết thầy. Đó là thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt.
Sáng mồng Một Tết, mọi người trong gia đình mặc quần áo mới. Tề tựu đông đủ để thực hiện nghi lễ chúc Tết và mừng tuổi. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, chúc mạnh khỏe, sống lâu. Ông bà, cha mẹ chúc con cháu làm ăn tấn tới, học hành giỏi giang. Trẻ nhỏ được mừng tuổi bằng bao lì xì đỏ trong có ít tiền mới gọi là lộc với hàm ý may mắn cả năm.
Ngày Tết, họ hàng, láng giềng, đồng nghiệp qua nhà nhau chúc Tết. Tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau, chuyện trò râm ran, tíu tít. Điều đó làm cho ngày Tết càng thêm ý nghĩa về sự gắn kết và chia. Mọi người mang theo những điều tốt lành suốt trong năm mới và những điều không hay trong năm cũ đều được bỏ qua để quan hệ thân tộc, quan hệ xã hội… trong năm mới tốt đẹp hơn.
Du xuân
Bên cạnh đó là tục du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, lễ đền, lễ chùa trong dịp Tết. Trong những ngày Tết, mọi người tranh thủ du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh. Thưởng ngoạn vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Để tâm hồn lâng lâng thanh thản và được tiếp thêm sinh khí của mùa xuân.
Các lễ hội gắn với những đền, chùa nổi tiếng linh thiêng được Phật tử và khách thập phương từ khắp mọi miền đất nước đến thăm viếng. Cầu cho quốc thái dân an, cầu phúc, cầu lộc, cầu duyên trong năm mới.
Với sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng, chúng ta cần nhìn nhận Tết Nguyên đán là một trong những di sản văn hóa hàng đầu của dân tộc Việt Nam. Xứng đáng được thấu hiểu, bảo tồn, phát huy, phát triển và quảng bá.
Lời kết
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước. Càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng. Sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai.
Thái Phát là công ty tư vấn giám sát và thi công công trình xây dựng hàng đầu tại Hà Nội. Với đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết, Thái Phát đã tạo dựng được uy tín và danh tiếng trong lĩnh vực xây dựng. Chúng tôi cam kết mang đến cho khách hàng sự hài lòng tuyệt đối với các dịch vụ của mình. Thái Phát hy vọng sẽ trở thành đối tác đáng tin cậy của quý khách trong các dự án xây dựng sắp tới. Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí nhé.
THÁI PHÁT – TRAO TRỌN TÂM HUYẾT CHO NGÔI NHÀ CỦA BẠN
CÔNG TY CP ĐTPT&XD THÁI PHÁT
Địa chỉ: 139 Đốc Ngữ, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 0898.254.392
Email: xaydungthaiphat@gmail.com